Dưới đây là những gương mặt chuyên gia thiết kế thiết kế Việt Nam đã xuất sắc theo đuổi, bảo vệ và hiện thực hóa những ý tưởng trở thành những sản phẩm giá trị cao. Họ là những ai?
Lê Bá Ngọc
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký
Vietcraft
Tái sinh trong lĩnh vực “Quà tặng” Tặng quà, có lẽ là một trong những hoạt động lâu đời nhất của con người, lâu từ thuở chưa có nền văn minh, từ thuở hình thành loài người. Thuở ấy, quà tặng là những mảnh đá, vỏ cây, răng thú…trước khi đến những đồng xu may mắn của thời La Mã hay kim loại quý, đàn gia súc thời Trung cổ sau này…Ngày nay, tặng quà vẫn là một phần của văn hóa thường nhật, thể hiện bản sắc cá nhân cũng như thông điệp mỗi người muốn gửi gắm với món quà của mình… Quà tặng tạo nên những cảm xúc, tạo sự kết nối và tạo nên những tác động xã hội… Trong khuôn khổ của Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020, Ban tổ chức giới thiệu và khuyến khích các nhà thiết kế đưa ra các ý tưởng và sản phẩm quà tặng theo hướng tôn trọng và đề cao các giá trị văn hóa địa phương, phù hợp các chuẩn mực xã hội và thân thiện với môi trường sống từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng. Đối tượng quà tặng hướng đến là người Việt Nam và khách du lịch Quốc tế đến với Việt Nam. Ban tổ chức cũng rất khuyến khích việc phát triển các bộ quà tặng đặc trưng của từng địa phương, từng tỉnh, từng vùng, bộ quà tặng đặc trưng cho Việt Nam. Chúng tôi mong muốn các nhà thiết kế, với lòng tự hào và với niềm đam mê sáng tạo, cùng chúng tôi tạo nên một chương mới cho các sản phẩm quà tặng của Việt Nam. |
Vũ Thảo
Nhà sáng lập và giám đốc thiết kế
Kilomet109
Tái sinh trong lĩnh vực “Mặc” hay sự tái thiết lập chuỗi sản xuất thiết kế tuần hoàn
Chất liệu cũ đã qua sử dụng đang được rất nhiều các nhà thiết kế thời trang lựa chọn. Tái cấu trúc, tái chế… hay chính là dịp cho những sự vật tưởng đã bỏ đi một lần nữa sống lại – tái sinh – là một liệu pháp chữa lành cho những vấn đề toàn cầu hiện nay như là sản xuất dư thừa, chất thải công nghiệp, khủng hoảng môi trường. Vật liệu tái chế là thứ chất liệu nén của thời gian & xúc cảm. Tạm không nói đến những tác động chéo của nó đến xã hội, môi sinh thì nó đã là một thứ chất liệu có độ gắn kết với chủ nhân hơn hẳn những thứ mới tinh. Vì dù gì nó cũng đã có một đời sống nhất định, chứng kiến biết bao thăng trầm của người dùng nó. Là kỷ vật, là của hồi môn, đồ thừa kế hay đơn giản chỉ là rác. Chất liệu tái chế còn có một bộ dạng thật đặc biệt, độc bản không gì so sánh nổi. Sự cũ kỹ, bạc phếch, xơ xác thậm chí nhàu nhĩ, tơi tả… lại mang đến cho chất liệu tái chế một hiệu ứng đương đại, là lạ, khác thường, rất duyên mà thời nay phải dùng công nghệ cao để can thiệp mới có thể đạt được.
Người Việt từ bao đời nay vốn sống tiết kiệm, tận dụng, luôn tìm cách tái sử dụng các vật dụng hàng ngày nhất là phục trang. Các bạn thuộc thế hệ trước chắc không ít thì nhiều cũng đã quen với việc áo quần truyền đời từ ông bà, bố mẹ sang con cái, rồi cháu chắt. Tái chế trở thành thói quen, nếp sống, triết lý sống, thái độ ứng xử với vạn vật, với tạo hoá xung quanh của người Việt chứ không phải là hiện tượng của một trào lưu quốc tế nhất thời. Tái chế có thể được coi là sự tiếp nối của một nét văn hoá truyền thống Việt Nam đẹp đẽ và cũng đồng thời giải quyết được rất nhiều các vấn đề đương thời. Ở kỷ nguyên của chủ nghĩa tiêu dùng vô lối, sản xuất hàng loạt kéo dài, khai thác tài nguyên tận diệt như hiện nay, tái sinh chất liệu thực sự là một cứu cánh hữu hiệu, lành mạnh cho chuỗi sản xuất thiết kế đã rệu rã và đang có nguy cơ sụp đổ.
Nguyễn Phan Thuỳ Dương
Chủ biên
Tạp chí ELLE Decoration Vietnam
Tái sinh trong lĩnh vực “Ở”
Khi chạm đến khái niệm chốn ở trong tâm thức mỗi chúng ta, lại là cánh cửa mở ra một thế giới quan hết sức riêng biệt. Chúng ta có thể lựa chọn riêng cho mình những phong cách thiết kế và trang trí hoàn toàn khác nhau, tùy theo trải nghiệm và năng lực thẩm mỹ, điều kiện kinh tế và lối sinh hoạt riêng. Thế nhưng, làm sao để chốn ở không chỉ là một công trình, mà thật sự trở thành nơi ta gọi là “nhà” với cảm xúc trìu mến và sự thư thái tức thì, lại cần rất nhiều cân nhắc và trí lực.
Không thể tách rời việc định giá một đồ vật ra khỏi mối tương quan với người chủ của nó. Giá trị nguyên bản của một thiết kế chính ở chỗ nó chuyển tải tư tưởng, triết lý và cảm xúc của người tạo tác đến với người sở hữu một cách tự nhiên và mạch lạc nhất. Và cuộc đối thoại đó cần được tiếp diễn theo thời gian, làm giàu thêm bằng phong thái và trải nghiệm của người sử dụng.
Ý niệm tái sinh một chốn ở chính nằm ở khoảnh khắc ta ý thức mối liên hệ chặt chẽ giữa bản thể và không gian mình tương tác mỗi ngày, và mong muốn làm tròn đầy câu chuyện ấy.
Từ Phương Thảo
Giám đốc mỹ thuật / Giám đốc thiết kế
Tạp chí ELLE Decoration Vietnam / Sadec District
Tái sinh trong lĩnh vực “Ăn” hay con đường thú vị tìm sự quyến rũ từ những thay đổi theo thời gian của sự vật
Mỗi chúng ta khi sinh ra đều là sản vật địa phương nơi ta sống. Những người con lớn lên bằng mùi của đất, khói của củi lửa trong một tiết trời nóng ẩm hay hanh khô, sẽ hiểu hơn ý nghĩa, giá trị của từng kiểu dáng, hoạ tiết trên mảnh gốm vỡ có thể từ chính chiếc bát đôi đũa họ đang cầm trên tay. Họ cũng hiểu sự cũ dần theo thời gian, những vết nứt vết rạn từ chiếc bình của bà ngoại dường như trở nên thú vị hơn và mang tới một giá trị tinh thần mới lớn lao hơn. Họ biết giữ lại các đồ vật bên mình kể cả sau khi nó bị hư hỏng, tìm cách sửa thay vì bỏ đi, coi sự thay đổi đó nhưng một sự kiện trong vòng đời bản thân sự vật. Một vẻ đẹp vì thế được tái sinh. Và một thái độ cũng vì thế mà thay đổi, biết chấp nhận đủ và đầy các vẻ đẹp khác nhau của vạn vật, thích nghi tuyệt vời với thế giới văn minh nhưng bộ gene văn hoá, cốt cách nơi họ sinh ra vẫn hiện hữu rõ ràng. Chính điều đó giúp họ trở nên khác biệt và thực sự độc đáo, và đây cũng chính là giá trị cộng thêm đáng tự hào của “Designed by Vietnam” cho đời sống văn hoá đầy màu sắc, lôi cuốn thú vị ngày hôm nay.
Nguyễn Anh Tuấn
Giám đốc nghệ thuật
Heritage Space
Tái sinh và “Nghệ thuật công cộng” (Public Art). ‘Tái sinh’ trong ‘Nghệ thuật công cộng’ là gì? Đầu tiên đó là sự Tái thiết các không gian công cộng. Quảng trường và công viên, phố đi bộ và sân vận động, nhà hát và phòng chiếu phim, trung tâm thương mại hay chợ quê, sân chơi hay bến sông, cầu qua sông hay đò ngang… đều khác biệt, thú vị và hấp dẫn, bất ngờ để khám phá và thách thức sức sáng tạo. Nghệ thuật dành cho chúng sẽ như thế nào, truyền cảm hứng và tương tác với con người ở đó ra sao? Dù ở trong nhà hay ngoài trời, vùng núi, miền quê hay hải đảo, mỗi không gian công cộng sẽ có sức sống riêng của nó. Tư duy về không gian công cộng không chỉ còn là nơi chốn dành cho sinh hoạt cộng đồng, mà còn là không gian sáng tạo, và biểu đạt cho cái mới, nói lên tinh thần và khát vọng của cộng đồng nơi đó. Chúng ta cần tái định nghĩa về không gian công cộng. Những không gian cũ và mới sẽ hình thành, đan xen, chuyển hóa như thế nào? Các nền tảng xã hội trực tuyến có phải không gian công cộng không? Sự khác biệt về không gian cho mọi người qua mỗi vùng miền, văn hóa, kích cỡ, đặc điểm, cách làm và cách chơi mở ra cơ hội mới để tái khám phá chúng qua sáng tạo. Khi tái thiết các không gian công cộng và tái định nghĩa chúng bằng sức sáng tạo, cộng đồng sẽ được tái sinh. |