Thể lệ cuộc thi Designed by Vietnam 2021
Tiếp nối cuộc thi Designed by Vietnam tổ chức thành công lần đầu tiên trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – Vietnam Design Week 2020, thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình thiết kế sáng tạo những sản phẩm, đồ dùng hàng ngày mang giá trị thương hiệu “Designed by Vietnam”.
Chúng ta dần cảm nhận được “Designed by Vietnam” có thể từ mùi hương của đất, từ hơi thở của không khí, từ câu ca dao tục ngữ, từ truyện cổ và lời ví, từ chiếc nón quai thao hay cánh cửa bức bàn, là các góc cạnh đặc sắc và đa dạng của cuộc sống từ vùng cao tới làng quê ra thành thị, cấu thành nên hai chữ “Việt Nam”. Những nhà thiết kế dù có quốc tịch Việt Nam hay là người nước ngoài đang sinh sống trên “dải đất hình chữ S”, khi được truyền cảm, tìm kiếm, khai thác và vận dụng những yếu tố, đặc điểm của văn hóa – lịch sử – ngành nghề cổ hay vật liệu địa phương, các câu chuyện thời xưa và nay, nhịp sống đô thị hiện đại hay cảm xúc từ thiên nhiên, rồi thổi hồn vào chúng để thành các sản phẩm sáng tạo mới, đó đều là “Designed by Vietnam”.
Khi chúng ta nghe từ “truyền thống”, chúng ta thường nghĩ đến những thứ thuộc về quá khứ – của một thời gian và không gian cố định nào đó, làm như vậy dễ dẫn đến nguy cơ bỏ qua tính liên tục, tính thích ứng và tính biến đổi vốn có của truyền thống. Truyền thống luôn dịch chuyển bởi các yếu tố như con người, xã hội và tự nhiên. Các khái niệm đang phát triển của chúng ta về bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa, công bằng thương mại và môi trường đều ảnh hưởng đến cách chúng ta xác định vai trò của truyền thống trong xã hội đương đại. Do đó, việc lưu giữ truyền thống trong lĩnh vực Thiết kế không thể được xem xét đơn giản là quá trình “cắt và dán”. Truyền thống không thể được bảo tồn hiệu quả chỉ bằng cách thao túng hay tích hợp các biểu tượng quốc gia, truyền thống tín ngưỡng và văn hóa địa phương một cách phiến diện và nặng tính cổ động. Nó phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc với tinh thần tôn trọng lịch sử và tổ tiên của chúng ta nhưng vẫn phải mạnh dạn đổi mới để đảm bảo sự liên quan của truyền thống được tiếp nối.
Cuộc thi Designed by Vietnam năm nay có chủ đề “Đánh thức Truyền thống” (Awakening Traditions) trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – VNDW 2021 được phát động từ ngày 17/7/2021 tại Hà Nội và kéo dài tới hết ngày 03/12/2021 trên phạm vi cả nước. Dưới sự dẫn dắt của các nhà thiết kế có tầm ảnh hưởng trong 05 lĩnh vực Thiết kế Truyền thông (Communication design), Thiết kế Đồ nội thất (Living design), Thiết kế Vật dụng trang trí (Decor & Object design), Thiết kế Trang phục (Clothing design), Thiết kế công cộng (Public design), các thí sinh tham gia sẽ có nhiều cơ hội được kết nối và học hỏi để tạo ra những sản phẩm ứng dụng có giá trị thiết kế cao.
Ban Tổ chức và Hội đồng giám khảo:
Cơ quan bảo trợ: Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) – Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Ban Tổ chức: Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – Vietnam Design Week (VNDW)
Đồng Trưởng ban Tổ chức:
- Ông Lê Việt Hà – Chủ tịch Ashui.com
- Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam
Hội đồng giám khảo kiêm cố vấn chuyên môn:
- NTK Từ Phương Thảo – Giám đốc mỹ thuật tạp chí ELLE Decoration Vietnam, Giám đốc thiết kế Sadec District
- NTK Nguyễn Phan Thuỳ Dương – Chủ biên tạp chí ELLE Decoration Vietnam
- Ông Lê Bá Ngọc – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft)
- NTK Vũ Thảo – Nhà sáng lập và giám đốc thiết kế tại Kilomet109
- Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc nghệ thuật tại Heritage Space
Đối tượng tham gia dự thi: Tất cả mọi người.
Đề bài: Mẫu thiết kế dự thi thể hiện chủ đề “Đánh thức Truyền thống” thuộc 05 lĩnh vực:
Thiết kế Truyền thông (Communication design)
Cuộc sống lúc nào cũng như một bức tranh mới vẽ.
Công việc thiết kế mang chúng ta đến những vùng đất xa, nơi có thể được nhìn ngắm cuộc sống khác đi, mới hơn, chiêm ngưỡng hiện tại, thấu hiểu sâu sắc về quá khứ và cảm nhận dòng chảy của tương lai.
Bức tranh cuộc sống với mỗi người là một sự pha trộn kỳ lạ giữa truyền thống ẩn sâu đang chảy đâu đó trong ký ức với những rung cảm hiện hữu. Tìm lại sợi dây truyền thống, gảy lên những nốt đẹp nhất để nó ngân lên trong hiện tại và tương lai, đó chẳng phải là phần đẹp đẽ, cần thiết và tự hào nhất trong công việc của những nhà thiết kế sao?
Chúng tôi đang mong chờ những thiết kế sống động và tươi trẻ của Ngày Hôm Nay dựa trên sự tìm tòi có chọn lọc, sự tinh giản có ý tứ, sự cô đọng rất ‘có nghề’ về hành trình tìm lại truyền thống dù bằng cách này hay cách khác, cá nhân hay đồng đội, để tạo ra được ‘mật mã truyền thống’ của riêng mình bằng những bộ màu, chất liệu, hình dáng, chuyển động, âm thanh, dẫn dắt ý tưởng,… cho những Thiết kế truyền thông “Created & Crafted in Vietnam”.
Thiết kế Đồ nội thất (Living design)
Có lẽ chưa bao giờ, trên phạm vi toàn thế giới, quan niệm về không gian sống lại được tái định nghĩa và chiêm nghiệm nhiều đến thế, kể từ thời điểm mà Covid-19 chạm ngõ nhân loại. Thách thức của việc phải từ bỏ tự do đi lại, dẫu chỉ trong thời gian nhất định khiến người ta quan tâm hơn đến việc tối ưu hoá diện tích mà mình sinh hoạt hằng ngày và phối hợp nó với những chức năng/ nhiệm vụ tích hợp và cộng hưởng. Nếp sống ấy tưởng chừng mới mẻ nhưng nếu nhìn về truyền thống tổ chức cuộc sống và lao động của ông cha ta chỉ khoảng hơn 100 năm trước thôi, thì lại rất nhiều điểm tương đồng. Ngôi nhà không chỉ là nơi chở che lưu trú mà còn là địa điểm sản xuất, hội họp, là kho thực phẩm và cũng là nơi thờ phụng thần linh và tổ tiên.
Hiểu về truyền thống một cách thấu đáo, trong mối quan hệ hài hoà với dòng chảy của thời đại chính là bí quyết để bạn có thể “đánh thức” đúng thứ cần thức tỉnh trong kho tàng chất liệu sáng tác, vật liệu truyền thống, kĩ thuật thủ công đồ sộ của dân tộc. Việc làm chủ, nắm vững các yếu tố kĩ thuật và kiên định với một ý tưởng xuyên suốt, một khía cạnh mạnh nhất của thiết kế sẽ đem lại giá trị lấp lánh riêng cho sản phẩm đó.
Tôi có lòng tin sâu sắc vào những viên ngọc sẽ được đánh thức và toả sáng trong cuộc thi năm nay.
Thiết kế Vật dụng trang trí (Decor & Object design)
Từ xưa, cha ông chúng ta đã sử dụng những vật liệu thân thiện xung quanh mình như mật mía, bột giấy, nước vôi,… để tạo nên những những vật dụng để trang trí cho các cung đình, các công trình kiến trúc, không gian ở mà đến nay vẫn còn giá trị. Trong suốt chặng đường dài phát triển của dân tộc, đã có biết bao những kỹ thuật truyền thống, những vật dụng gần gũi gắn bó với mỗi thế hệ người Việt Nam, với mỗi cộng đồng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, và cùng với đó là những gửi gắm, những triết lý về cuộc sống. Chúng tôi muốn các nhà thiết kế hãy cùng đánh thức những giá trị truyền thống, lấy cảm hứng từ truyền thống để sáng tạo các vật dụng trang trí cho không gian sống và sinh hoạt của chúng ta hôm nay, để mỗi nơi ta đến, nơi ta trở về đều lưu giữ những ký ức thật đẹp, những khoảnh khắc thật bình yên mà ta luôn cảm thấy tự hào…
Thiết kế Trang phục (Clothing design)
Truyền thống là một tập hợp các phong tục dân gian độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác thông qua việc giảng dạy, quan sát và thực hành. Mặc dù chúng được liên kết chặt chẽ với quá khứ nhưng chúng không cố định. Khi truyền thống trải qua thời gian, chúng được đúc kết, được chất vấn kỹ lưỡng và cuối cùng được hồi sinh bằng những ý tưởng mới đảm bảo tính liên tục của chúng. Giống như một đứa trẻ quan sát bà của mình thêu thùa, bắt chước theo thao tác của bà cho đến khi nó trở nên thuần thục – khi thông thạo các bước rồi, đứa trẻ đó bắt đầu áp dụng cách cảm nhận riêng để thể hiện được quan điểm, cá tính của cá nhân nó. Bằng cách này, những người tiếp quản – các hậu duệ sẽ mang quá khứ tiến lên phía trước nhưng không phải như một gánh nặng thiếu tính linh hoạt. Mỗi thế hệ sẽ có một cách tiếp nhận, nuôi dưỡng truyền thống khác nhau, và cả bồi đắp thêm những địa tầng giá trị mới cho truyền thống.
Trong cuộc thi này, chúng tôi muốn bạn đưa ra các thiết kế quần áo hoặc phụ kiện thời trang vừa đương đại, vừa ứng dụng. Chúng phải kết nối được với các yếu tố truyền thống nhưng không ngại thể hiện một quan điểm sáng tạo độc đáo.
Thiết kế công cộng (Public design)
Không gian công cộng truyền thống ở Việt Nam thường là những không gian kiến trúc-cảnh quan gắn bó hết sức hữu cơ với chức năng và hành vi con người mỗi nơi, từ tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, đặc sản, làm việc và sinh hoạt, lời ăn tiếng nói của một cộng đồng từ miền xuôi lên miền ngược. Không gian công cộng hiện đại đã có nhiều thay đổi về cả hình thái và công năng, đặc biệt ở các đô thị lớn và nhỏ. Nó mở rộng hơn nhiều so với quá khứ: các quảng trường và nhà hát, công viên và vườn hoa, trung tâm thương mại hay nhà văn hóa, cảng và sân bay, đường phố và vỉa hè, mặt nước và không trung. Chúng định hình những thói quen mới trong ngũ quan của con người, tạo ra những trải nghiệm và thay đổi đáng kể trong nhận thức thẩm mỹ và tạo ra những yếu tố văn hóa mới rất khác truyền thống.
Làm thế nào tạo ra thiết kế tác động và thay đổi hành vi tới ý nghĩ của con người? Làm thế nào để tạo ra được những tương tác và kết nối với các giá trị truyền thống trong suy nghĩ, ý thức có chọn lọc, chứ không phải mô phỏng thô sơ và khiên cưỡng? Làm thế nào để nhắc lại truyền thống như một chuyển động hướng tới tương lai, chứ không chỉ nhìn về quá khứ?
Hãy nghĩ đến các không gian công cộng gắn với nơi bạn sống, và tạo ra “truyền thống mới” cho chúng bằng thiết kế.
Yêu cầu về mẫu thiết kế dự thi:
- Tác phẩm thể hiện các nét đặc trưng, giá trị truyền thống của Việt Nam;
- Sử dụng chất liệu truyền thống, bản địa – Khuyến khích các mẫu thiết kế ứng dụng hoặc phát triển từ các nghề thủ công truyền thống (bao gồm cả kĩ thuật, chất liệu và thẩm mỹ)
- Mỗi tác giả tham dự tối đa 5 mẫu: là bản phác thảo hoặc ảnh chụp tác phẩm.
- Các tác phẩm tham dự phải là bản gốc và do chính tác giả thực hiện;
- Các tác phẩm chưa từng tham dự các cuộc thi về sáng tạo và thiết kế.
Nội dung hồ sơ dự thi:
- Bản thiết kế được số hoá trên máy tính
- Mô tả chi tiết chất liệu dùng cho mẫu thiết kế;
- Thuyết minh ý tưởng (tối đa 600 chữ).
- Thông tin tác giả:
Họ và tên: …………………………………
Năm sinh: …………………………………
Cơ quan /Tổ chức (nếu có): ………
Địa chỉ:………………………………………
Điện thoại: …………………………………
Email: ………………………………..……..
Thời hạn và nơi nhận hồ sơ dự thi:
- Thời gian nhận hồ sơ dự thi: từ ngày 17/7 đến hết ngày 31/8/2021.
- Địa chỉ email nhận hồ sơ: designedbyvietnam@gmail.com
- Thông tin chính thức về cuộc thi được đăng tải trên website: www.vietnamdesignweek.com
Quy trình của cuộc thi:
- Vòng ứng tuyển (từ 17/7 – 31/8/2021): nhận hồ sơ dự thi
(*) Trong thời gian này, thí sinh quan tâm có thể tham gia các buổi workshops và tham quan làng nghề truyền thống để lấy cảm hứng về vật liệu cho chủ đề “Đánh thức Truyền thống”. - Vòng sơ khảo (tháng 9 và tháng 10/2021):
Hội đồng giám khảo xét chọn TOP25 mẫu thiết kế vào vòng chung kết và phối hợp cùng tác giả hoàn thiện thiết kế hoặc thực hiện sản phẩm mẫu thực tế (nếu có).
(*) Các mẫu ý tưởng thiết kế được chọn sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, dự toán kinh phí thực hiện, và thuyết trình ý tưởng trước nhà tài trợ (nếu có). - Vòng chung kết (từ 27/11-03/12/2021): trưng bày và xét giải trong Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021.
- Bình chọn trực tuyến (từ 01/11-30/11/2021): 25 mẫu thiết kế được lựa chọn vào vòng chung kết sẽ tham gia cuộc bình chọn trực tuyến trên website: vietnamdesignweek.com
Cơ cấu giải thưởng:
- 01 Giải Nhất: 50.000.000 VND
- 01 Giải Nhì: 30.000.000 VND
- 01 Giải Ba: 20.000.000 VND
- 05 Giải Khuyến khích (mỗi lĩnh vực 01 giải): 10.000.000 VND
- 01 Giải Bình chọn cộng đồng: 10.000.000 VND
Lưu ý: Các mẫu thiết kế đoạt giải có thể sẽ được hợp tác sản xuất thành sản phẩm sử dụng trong cuộc sống với bản quyền thuộc về tác giả, và quyền khai thác trong thời hạn 02 năm thuộc về Ban Tổ chức cuộc thi.
Tổ chức trao giải – triển lãm:
Lễ trao giải và triển lãm các tác phẩm vào vòng chung kết được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 diễn ra từ ngày 27/11 – 03/12/2021 tại Hà Nội, Huế, TPHCM.