Back to Designed by VietNam

Cà Răng Căng Tai

By Phạm Thanh Sơn

ĐỒNG NAI

Đồng Nai – vùng đất trù phú rộng lớn của miền Đông Nam bộ hiện nay dẫn đầu cả nước với gần 10.600 ha chuối, huyện Trảng Bom vẫn là “thủ phủ” trồng chuối của Đồng Nai với diện tích đứng đầu cả tỉnh là trên 4,2 nghìn ha. Sản lượng xuất khẩu chuối ra nước ngoài ngày càng tăng làm cho Việt Nam luôn có chỗ đứng trong thị trường của các nước khác, điều này làm gia tăng giá trị lao động của người nông dân canh tác chuối ở Việt Nam. Những năm trước đây, sau khi thu hoạch chuối người nông dân phải thuê người chặt bỏ hoặc làm phụ phẩm cho nông nghiệp (phân bón), thức ăn cho gia súc gia cầm, vừa tốn tiền, vừa lãng phí, thậm chí gây ô nhiễm môi trường.  Từ khi đại dịch tả lợn Châu Phi ập đến thì gần như giá trị thân cây chuối trở về số 0.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, nhiều nông dân trồng chuối tại địa phương không phải làm những việc này. Họ có thể bán cây chuối tươi giá 4 ngàn đồng/cây hoặc tách bẹ, phơi khô bán cho hợp tác xã với giá 8 ngàn đồng/kg. Tham khảo từ những nước phát triển mạnh về vật liệu xanh như Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản,…  người dân Đồng Nai đang nghiên cứu và tổ chức sản xuất thành công bẹ chuối sấy khô xuất khẩu. Điều này khiến tác giả  cảm thấy như là một tia sáng lóe lên cho ngành thủ công với loại vật liệu xanh này.. Giờ bẹ chuối cũng kiếm ra tiền nên nông dân rất phấn khởi. 1ha chuối sau khi thu hoạch cũng kiếm thêm được 15-20 triệu đồng từ việc bán cây.

Từ cơ hội đó với mong muốn đóng góp cho cuộc sống có thêm những điều mới, tạo công ăn việc làm cho người nông dân địa phương, tác giả đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu về cách xử lý bẹ chuối để cho ra những sản phẩm thủ công hoàn thiện nhất từ đôi tay của những người dân nơi đây.

Với nguồn nguyên liệu dồi dào, đây là cơ hội để Đồng Nai đầu tư về cách xử lý vật liệu, xuất hàng đi các tỉnh lân cận làm nghề thủ công hay xuất khẩu ra các nước khác. Với mong muốn của một nhà thiết kế ưu tiên sự bền vững từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc. Nên việc nghiên cứu sản xuất để không ảnh hưởng đến môi trường luôn là điều quan trọng. Thay thế cách sản xuất công nghiệp ảnh hưởng đến môi trường bằng phương pháp truyền thống như, phơi khô, tẩy mủ chuối bằng giấm ăn,  nhuộm màu tự nhiên, chống ẩm mốc luôn là lựa chọn hàng đầu.

SỰ HỢP TÁC GIỮA NGƯỜI NÔNG DÂN ĐỒNG NAI VÀ NGƯỜI ĐỒNG BÀO CHÂU MẠ

Đầu tư vào máy tách sợi, kéo sợi (máy được vài HTX sản xuất ở Đồng Nai). Tuy máy móc chưa đủ và việc tổ chức sản xuất trong giai đoạn này còn khó khăn hậu đại dịch nhưng tình hình nền kinh tế đang phục hồi,  chúng ta vẫn có những kỳ vọng mới dành cho người nông dân ở Đồng Nai nói riêng và người nông dân canh tác chuối nói chung.

Dệt thổ cẩm là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Châu Mạ tại Đồng Nai (xã Tà lài, H.Tân Phú). Người dân Châu Mạ có một nền văn hóa lâu đời, phong tục và lối sống đáng được chúng ta biết đến nhiều hơn. Dệt thổ cẩm là một trong những nghề nuôi sống biết bao thế hệ người Châu Mạ qua hàng trăm năm nay. Ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp may mặc, nghề thủ công truyền thống này đang dần bị mai một. Với mong muốn hồi sinh lại nghề dệt, gây dựng lại nghề của đồng bào tại nơi mà nó đã đi xuống là một phần lý do cho sản phẩm này.

Từ nguồn nguyên liệu trù phú trong vùng của người nông dân (sợi chuối, bẹ chuối đã qua xử lý), tác giả mong muốn đây sẽ là sự hợp tác giữa đồng bào Châu Mạ và người nông dân. Sản phẩm từ sợi chuối qua bàn tay dệt thổ cẩm của người đồng bào Châu Mạ.  Vừa mang giá trị gắn kết về kinh tế , tạo công ăn việc làm cho hai bên, vừa gắn kết tình cảm giữa đồng bào chúng ta với nhau. Cùng nhau phát triển những giá trị của Việt Nam ra thế giới.

NHUỘM

Tác giả qua một thời gian nghiên cứu, thực hành xử lý bẹ chuối mà không cần sự hỗ trợ máy móc công nghiệp. Bẹ chuối sau khi thu hoạch phải nhanh tróc vỏ ngoài để không chứa mủ làm đen vật liệu. Ngâm trong giấm ăn để loại hết những mủ còn đọng lại và phơi nắng liên tục nhiều giờ liền, những bẹ chuối bị đen do mủ sẽ được đem đi kéo sợi, nhuộm màu. Kết quả cho thấy những bẹ chuối già bên ngoài thân: dai, chắc,  dễ đen do chứa mủ nhiều thì phù hợp để kéo sợi, nhuộm màu;  những bẹ gần lõi thì trắng , ít mủ, phù hợp tạo miếng.

Nguyên liệu nhuộm màu là từ những loại cây trồng mà người Châu Mạ hay sử dụng để nhuộm thổ cẩm, đây có lẽ là điều đáng trân trọng của người dân Châu Mạ và các đồng bào khác của Việt Nam có được từ nghề thủ công này. Qua nghiên cứu từ các tài liệu ghi chép, từ kinh nghiệm sử dụng vỏ cây lộc vừng để nhuộm vải sợi thành màu đỏ và màu đen của dân tộc Châu Mạ là trường hợp ghi nhận lần đầu ở Việt Nam.

Để đảm bảo trong việc phát triển ý tưởng, em đã bắt tay vào nghiên cứu quá trình nhuộm màu thủ công từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện môi trường, học hỏi từ các hình thức nhuộm của lác, cỏ bàng, … nay đem áp dụng cho bẹ chuối. Quá trình nhuộm được thực hiện nhiều lần xen kẽ với việc phơi nắng. Qua hình ảnh,các loại vật liệu tác giả đã thử nghiệm nhuộm trên bẹ chuối theo thứ tự: Nghệ, Lá bàng, Hạt điều, Lá cẩm. Chứng tỏ vật liệu này có khả năng về phương pháp nhuộm màu.

Ấp ủ trong mình niềm mong ước mang những giá trị văn hóa truyền thống , tín ngưỡng của Việt Nam giới thiệu đến bạn bè Quốc Tế. Hiện thực rằng, để làm được điều đó thì việc tiếp cận được với khách du lịch nước ngoài là trước hết. Qua quan sát, khách du lịch đến với Việt Nam được thu hút bởi những món đồ thủ công làm bằng tay của các người thợ Việt, những món quà lưu niệm mang đậm giá trị văn hóa Việt Nam như: Nón lá, guốc mộc, tranh thuê… thì trong đó chiếc quạt tay được tác giả lựa chọn để phát triển vì thích hợp với vật liệu và có nhiều phương án thiết kế hơn. Ở khí hậu nhiệt đới nói chung và Việt Nam nói riêng,  quạt tay là món quà lưu niệm và sản phẩm ko thể thiếu đối với khách du lịch đến với Việt Nam.

Kể về câu chuyện thiết kế, Dân tộc Châu Mạ có một nền văn hóa lâu đời mà ít ai biết đến  qua sản phẩm từ bẹ chuối  này tác giả cũng hy vọng đem đến cho người Việt và cả bạn bè ngoài nước biết thêm về một nét văn hóa sinh hoạt tín ngưỡng đẹp, lối  sống có trong mảng đất Việt Nam này.

Tục CÀ RĂNG CĂNG TAI là tục lệ nổi tiếng có từ xưa của đồng bào Châu Mạ và các dân tộc khác trên vùng Tây Nguyên. Tục cà răng là để vừa bảo vệ răng chắc khỏe, không bị bệnh, đồng thời đem lại sự may mắn tốt lành. Còn người có tai căng, đoạn đeo bằng ngà voi có kích cỡ lớn được cộng đồng xem là giàu sang.

Phong tục cà răng căng tai của người dân Châu Mạ ngoài việc làm đẹp theo quan niệm riêng thì tục cà răng với con trai còn chứng tỏ được lòng dũng cảm của mình để đương đầu với những thử thách trong cuộc sống và chiến đấu chống kẻ thù để bảo vệ bộ tộc và buôn làng. Căng tai cũng là để cho thấy người con gái nhẫn nại, chịu thương chịu khó. Căng tai người Mạ còn coi như là một tiêu chí để đánh giá người con gái đó lười biếng hay chịu thương, chịu khó (nếu lỗ tai căng được to chứng tỏ người đó siêng năng, chăm chỉ). Từ tập tục làm đẹp đó để nói lên đức tính dũng cảm, siêng năng, chăm chỉ, chịu thương chịu khó của người Châu Mạ qua ngàn đời nay. Bộ quạt mang tên “CÀ RĂNG CĂNG TAI” như đang gói ghém lại từng đức tính tốt đẹp, siêng năng của đồng bào, kết hợp với hoa văn đặc trưng của dân tộc Châu Mạ bằng từng sợi chuối đan, từng bảng màu nhuộm, từng họa tiết dân tộc và từng sự tỉ mỉ để giới thiệu với chúng ta. Đem giá trị văn hóa của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè Quốc tế.

Liên hệ với chúng tôi

Địa chỉ

VietNam Design Group
A47/109 Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Hotline

09 8888 7890

Email

designedbyvietnam@gmail.com

Theo dõi chúng tôi