Back to Designed by VietNam

Đêm xưa – Ngày nay

By Lê Đức Minh, Đỗ Quang Vũ, Vũ Tuấn Đạt

GIỚI THIỆU CHUNG

“Một không gian hội xưa trong
hình hài của chợ nay”

Trong bối cảnh đô thị hóa, sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại đã đặt ra một thách thức mới đó là hội nhập với thế giới nhưng đồng thời phải bảo tồn di sản, bản sắc lưu truyền qua nhiều thế hệ. Và một trong những không gian cầu nối giữa hiện tại và quá khứ đó là khu phố cổ Hàng Đào là nơi tồn tại không chỉ những giá trị văn hóa, truyền thống mà còn là địa điểm thích hợp để phát triển, đưa những di sản đó đến với bạn bè, công chúng quốc tế bởi tầm ảnh hưởng và phạm vi lan tỏa những giá trị văn hóa rất lớn đối với Hà Nội.

Phố cổ Hà Nội tọa lạc tại trung tâm thủ đô, nơi thường xuyên có rất nhiều những hoạt động thú vị vào mỗi cuối tuần, thu hút một lượng đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Trong số đó, Chợ Đêm tại phố cổ là một trong những không gian công cộng mới mẻ và năng động nhất của Hà Nội.

Vào mỗi tối cuối tuần, Chợ đêm Hàng Đào như được khoác lên một tấm áo mới. Nhắc đến Chợ Đêm, người ta nhớ ngay đến những gian hàng và dòng người tấp nập dọc theo các con phố, tạo nên không khí đông vui và nhộn nhịp, khác với vẻ trầm lắng, nhẹ nhàng vào ban ngày.

Tuy vậy, mô hình sạp hàng hiện trạng vẫn còn nhiều vấn đề về văn hóa, thẩm mỹ, tiện ích của người sử dụng. Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu, đề xuất phương án mới với mục tiêu cải thiện vẻ đẹp thẩm mĩ và mang đến một không gian “Đêm xưa- Ngày nay” cho phố cổ Hà Thành.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA GIAN HÀNG HIỆN TẠI

Gian hàng hiện trạng còn tồn tại vấn đề về thẩm mĩ , thiết kế đơn giản, gia công nên không có nhiều đóng góp cho bộ mặ của tuyến phố. Bên cạnh đó là cách lắp đặt không được nhanh chóng, mất nhiều thời gian cho người sử dụng và thiết kế sạp hàng này còn khiến cho không gian mặt phố bị lấn chiếm khi người bán hàng thường kê bàn lấn ra sát tới vỉa hè khiến giao thông tại khu vực chợ đêm hay xảy ra ùn tắc , khó kiểm soát.

PHÂN TÍCH HIỆN TRẠNG

Dòng thời gian

Tiến trình lịch sử của không gian chợ Hà Thành – Nghiên cứu Lịch sử, Văn hóa:

Thế kỷ 13

Những phiên chợ quê bắt đầu từ khi người Việt xưa có nhu cầu trao đổi, buôn bán. Những gian nhà lợp lá tạm bợ và những rọ hàng hóa chính là hình thức sơ khai nhất của phiên họp chợ của người Việt.

1804

Trong thời gian xây dựng lại thành Thăng Long, triều đại Nguyễn đã cho đặt ngôi chợ lớn ở cửa chính đông, hay còn gọi là chợ Đồng Xuân ngày nay. Từ đó người dân thủ đô có một không gian công cộng để giao thương buôn bán.

Thế kỷ 19-20

Trong thời Pháp thuộc, khu phố cổ được xây dựng những tuyến tàu điện và tái thiết chợ Đồng Xuân, đẩy mạnh tốc độ và quy mô của hoạt động giao thương tại Hà Nội.

1975-1986

Sau khi giành lại độc lập đất nước, Nhà nước đưa ra chế độ “bao cấp”, một hình thức kinh tế mà mọi hoạt động giao thương đều dựa trên tem phiếu. Hình thức buôn bán chợ búa tự do bị đưa vào kiểm soát. 

1990

Chợ Đồng Xuân được xây dựng lại trong quá trình hiện đại hóa, phá bỏ hai dãy hai bên, ba dãy giữa xây lên ba tầng. Hai tấm cửa hai bên cũng bị dỡ, nhưng vẫn còn giữ hai cột ngoài cùng.

Nay

Khu vực chợ Đồng Xuân được mở rộng thành chợ đêm kéo dài 3 tuyến phố Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào.

DIAGRAM TÁCH LỚP KHU PHỐ

Khu vực nghiên cứu nằm tại vị trí phố cổ với nhiều công trình lâu đời gắn liền với tiến trình phát triển lịch sử của khu phố và thủ đô Hà Nội . Vì vậy, khi thiết kế bất cứ không gian kiến trúc nào cũng cần tính đến sự ảnh hưởng tới bối cảnh lịch sử, văn hóa chung của khu vực.

Trong hình là diagram tách lớp khu phố hàng Đào, phân tích quy hoạch các gian hàng, giao thông và các công trình lân cận ảnh hưởng đến tuyến phố chính.

Ý TƯỞNG

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy nét đặc trưng của phố cổ Hà Thành là những mái ngói xô nghiêng đã tồn tại từ rất lâu đời, mang trong mình những nét cổ kính, độc đáo. Chính nét đẹp này đã tạo nên nét đặc trưng của Hà Nội, khiến khách du lịch khi nhìn thấy có thể nhận ra ngay đó là những công trình mang văn hóa của thành phố nào. Chúng tôi đã phân tích các đường nét mái , rồi trích ra để lấy đó là nguồn cảm hứng cho sạp hàng mới, khiến các sạp hàng trở nên hài hòa với bối cảnh mà chúng được đặt vào.

Phương án sạp hàng này còn có tính linh hoạt cao, tiện lợi cho người bán hàng. Khác với sạp hàng cũ, người dân sau khi dựng các sạp hàng, phải kê thêm các loại bàn lớn cồng kềnh để trưng bày hàng hóa lên đó.Tuy nhiên, với ý tưởng thiết kế này, chúng tôi đã cải tiến vị trí lắp đồ giúp người sử dụng có thể thoải mái lắp đặt bàn gập, giá treo đồ và cả bảng biển hiệu, tạo nên một trật tự thẩm mĩ nhất định so với hiện trạng.

KÍCH THƯỚC MODULE SẠP HÀNG

3 Module với chiều cao khác nhau: 3300, 3600, 3900mm dựa trên tỉ lệ của con người, tạo điều kiện để cả dáng mái nghiêng của bạt và những mái nhà cổ đều trong tầm nhìn của người đi lại. Du khách sẽ được đắm chìm trong không gian kiến trúc của phố cổ Hà Nội.

 

DIAGRAM CHI TIẾT

DIAGRAM PHỤ KIỆN LẮP ĐẶT

BỐ TRÍ

DIAGRAM MẶT CẮT NGANG PHỐ

MẶT ĐỨNG GIAN HÀNG

BỐ TRÍ GIAN HÀNG TRÊN TUYẾN PHỐ

Số gian hàng quần áo, đồ gia dụng và đồ lưu niệm chiếm phần lớn chợ đêm.

Để thu hút sự tò mò của du khách và gây ấn tượng ở đầu khu phố, gian hàng đồ trang trí và lưu niệm được xếp ở đầu dãy chợ đêm.

Khu vực gian hàng đồ ăn để ở cuối mỗi dãy, tiếp xúc với các khoảng rỗng, tạo nên không gian ăn uống thoải mái cho du khách mà không vướng vào giao thông đi lại.

VẬT LIỆU

PHỐI CẢNH

Phối cảnh tổng thể phương án sắp xếp Module khu chợ đêm Hàng Đào.

Một số phối cảnh góc:

MỞ RỘNG

Ngoài những giá trị mới, phương án sạp hàng của chúng tôi còn có thể sử dụng cho nhiều sự kiện, địa điểm văn hóa khác như hội chợ, triển lãm,…Mái của sạp hàng khi phát triển còn có thể thêm vào một số họa tiết hay chất liệu đến từ những vùng miền khác trên khắp cả nước, tạo nên sự giao thoa văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Sự thay đổi nhỏ về diện mạo cho sạp hàng này còn tạo điều kiện, cơ hội để giới thiệu những sản phẩm, chất liệu chất lượng cao của người Việt đến với khách du lịch và bạn bè quốc tế.

Cụ thể ở trong phương án này chúng tôi đã đưa vào một số ý tưởng để phục vụ cho lễ hội Trung thu tại chợ đêm Hàng Đào.

Ý TƯỞNG

Từ lâu, bộ môn Múa Rối Bóng đã trở thành một môn kịch nghệ được ưa chuộng tại Việt Nam. Nhờ một hiện tượng vật lý đơn giản, con người ta đã thổi hồn vào những chiếc bóng vô tri vô giác bằng những câu chuyện truyền thuyết li kì, cuốn hút, hấp dẫn tuổi thơ của rất nhiều thế hệ trẻ em.

Tuy vậy, trong khoảng thời gian gần đây, nét văn hóa dân gian này dường như bị mai một dần đi. Nhận thấy điều đó, chúng tôi quyết định mang nét văn hóa ấy trở lại, bằng những thủ pháp tạo hình cùng ánh sáng trên sản phẩm gian hàng của chúng tôi, hứa hẹn mang đến cho khu vực Phố cổ Hà Nội , đặc biệt là trẻ em thiếu nhi những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ý nghĩa vào những Ngày hội Trung thu.

Thử nghiệm ánh sáng.
Một số ý tưởng trên mái bạt.

Một số góc phối cảnh thực tế:

Góc tổng thể

Các hoạt động vui chơi giải trí tự do sẽ được diễn ra phía dưới tấm mái bạt đầy màu sắc này. Modules không chỉ giúp hỗ trợ công năng làm bạt che mà còn đóng vai trò như một cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghệ thuật dân gian và đời sống của người Hà Thành.

Liên hệ với chúng tôi

Địa chỉ

VietNam Design Group
A47/109 Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Hotline

09 8888 7890

Email

designedbyvietnam@gmail.com

Theo dõi chúng tôi