Tự nhiên luôn mang mọi thứ về thế cân bằng – trạng thái hài hòa nhất để vạn vật cùng tồn tại.
Chuyện kể rằng xưa kia có một người cha làm nghề chài lưới. Vì muốn trừ hại cho dân, ông hy sinh tự tẩm độc vào thân mình rồi dụ Thuồng Luồng ăn thịt. Đau xót, con trai ông ôm xác cha gào khóc để rồi trúng độc mà chết. Hai cha con hoá thành hai hòn đá lớn nhỏ nằm cạnh nhau bên bờ biển, người đời thương tiếc gọi là Hòn Phụ Tử.
Năm 2006, Hòn Phụ gãy đổ vì không chịu nổi lực xiên từ các vết nứt tích tụ nhiều năm do phong hóa và xâm thực. Giải pháp trục vớt và phục dựng từng được đề xuất nhưng tỉnh Kiên Giang chọn không-làm-gì bởi nền địa chất xung quanh quá yếu.
Có lẽ, con người cần học chấp nhận thay vì cố tác động trước thế cân bằng của tự nhiên ngoài kia.
Lấy cảm hứng từ câu chuyện này, tôi thiết kế Bộ Sưu tập Xuân – Hè cho Nam, mang phong cách Nhà Binh với cấu trúc trang phục tháo lắp được như Hòn Phụ – tái hiện người Cha trong câu chuyện con người với thiên nhiên.
Chọn kỹ thuật thêu tay trên vải tơ tằm rút sợi và đan cotton bỏ nhịp, tôi muốn gợi chất mộc mạc quen thuộc trong phông nền văn hoá dân gian Việt Nam. Sợi vải rút ra ở phần “âm” được tái sử dụng, tạo bề mặt cho phần “dương” của chiếc áo giáp. Phần túi xách, tôi chơi đùa và thể nghiệm thêm trên chất liệu tái chế từ đầu lọc thuốc lá – thứ cha con tôi hay vứt đi. Quy trình thu gom, bóc tách, làm sạch đầu lọc được làm thủ công có sử dụng xút, bã cà phê và trà. Các chất liệu tái chế khác được sử dụng trong Bộ Sưu tập là vải mẫu bỏ đi, vải thừa trong sản xuất của một nhà máy, được tận dụng, kết hợp cùng các chất liệu tự nhiên như Organza và đũi Tân Châu.
Tôi cũng áp dụng bài học không-làm-gì trong câu chuyện phục dựng Hòn Phụ qua việc quan tâm nhiều đến không gian âm, tập bỏ lửng vài mảng trên thiết kế và nhận ra: đôi khi, không-làm-gì cũng đã làm rất nhiều.