Với tôi, công việc thiết kế là chuỗi ngày khám phá bản thân song song với khám phá thế giới. Từ những ngày đầu tiếp cận bản năng, không nhiều toan tính cho đến khi quan sát rõ nhu cầu thực của người dùng, tôi nhận thấy: Tính cảm xúc trong sáng tác bước đầu sẽ giúp tác giả dễ đào sâu hơn đề tài, nhưng cũng dễ khiến sa đà vào lãng mạn hoá, xa rời thực tế.
Tôi và các bạn đồng nghiệp, hầu như ai cũng có một kho lưu trữ những sản phẩm tìm tòi thử nghiệm từ khi mới vào nghề. Các sản phẩm này thường chứa nhiều ý niệm, thông điệp để rồi phần lớn chúng phải chịu cảnh nằm yên một góc nhà kho sau nhiều năm vì không tìm được đầu ra.
Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Cấu trúc trang phục phức tạp không cần thiết, vật liệu lựa chọn chưa phù hợp, lỗi mốt do bám vào xu hướng hay do ngôn ngữ thiết kế quá bay bổng, nằm ngoài nhu cầu sử dụng thường nhật của khách hàng.
Từ thực trạng này, tôi nảy ra ý tưởng cải tạo chính các thiết kế trong bộ sưu tập tốt nghiệp trước đây của mình. Tự soi chiếu những hạn chế của bản thân, tôi hiểu một thiết kế tốt cần phải vượt qua việc chỉ thoả mãn cái tôi của tác giả.
Khi loại bỏ được suy nghĩ cá nhân này, tôi dần chuyển sang lấy người dùng làm trung tâm. Tôi tìm cách tái cấu trúc hoặc rã mảnh các chi tiết nhỏ trên trang phục tồn kho để sử dụng tiếp, một-cách-triệt-để. Sau khi cắt chúng ra để biến đổi thiết kế, toàn bộ vải thừa đều được tận dụng để xử lý chất liệu tạo vải mới. Ngoài ra, tôi kết hợp cắt những chiếc áo thun cũ bỏ đi thành nhiều phần, vừa dùng chúng làm chi tiết trang trí mới, vừa làm sợi đan thành mảng tái tạo trên trang phục.
Kết cấu chính được chọn cho BST có phần cứng cáp, dễ tháo lắp vì giờ đây sự linh hoạt về công năng của thiết kế được tôi quan tâm hơn cả. Phần màu sắc cũng giới hạn trong dải màu trung tính để dễ ứng dụng. Tôi xâu chuỗi các mảnh ghép trên lại tạo thành một bộ sưu tập mặc được cho nhiều dịp với đa đạng cách “lắp ráp” hay tạo kiểu, đem đến sân chơi cho riêng người dùng. Bạn cứ thoả thích tuỳ biến các thiết kế của tôi.