Back to Designed by VietNam

Đèn giấy giang

By Nguyễn Ngọc Hiền

Những câu chuyện văn hoá giao thoa

Năm 1715, tức 17 năm sau khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đến kinh lược vùng đất Đồng Nai, chúa Nguyễn Phúc Chu sai người cho xây dựng Văn miếu đầu tiên của xứ Đàng Trong – Văn miếu Trấn Biên. Ra đời với mục đích bảo tồn, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài, Văn miếu Trấn Biên cũng như nhiều Văn miếu khác được xây dựng dọc chiều dài đất nước, đã trở thành biểu tượng cho các giá trị giáo dục xưa và nay của người Việt Nam.

Đèn giấy giang được thiết kế lấy cảm hứng từ Văn miếu Trấn Biên không chỉ ở vẻ bên ngoài mà còn bởi tính biểu trưng cho truyền thống hiếu học của người Việt Nam – những cô cậu học trò miệt mài bên ánh đèn.

Tạo hình Văn miếu được mô phỏng lại và tinh giản từ các chi tiết kiến trúc như mái nhà cổ điển của kiến trúc Việt Nam, màu xanh lưu ly ngọc bích đặc trưng kết hợp với màu trắng ngà cùng với các thanh ngang.

Chiếc chuông vàng được thêm vào sau cũng là một chi tiết tạo điểm nhấn cho tạo hình của chiếc đèn: Kết nối với công tắc dạng giật dây, mỗi động tác mở/tắt đèn sẽ khiến tạo sự thôi thúc muốn tương tác với chiếc đèn, tạo cảm giác thú vị khi kết nối với sản phẩm.

Tuy nhiên, như đã thấy từ tên gọi, điểm đặc sắc mà tôi gọi là nhân vật chính của sản phẩm này: giấy giang. Với phương pháp làm giấy cổ truyền, đồng bào H’mông của khu vực Hang Kia – Pà Cò tỉnh Hòa Bình đã biến những cây giang quen thuộc với người Việt Nam thành một loại giấy đặc biệt.

Đã từ rất lâu, người H’mông đã biết làm lá giang để phục vụ cho tín ngưỡng văn hoá dân tộc. Tuy có bộ chữ viết được soạn theo bộ vần quốc ngữ, đồng bào H’mông đã làm giấy giang theo kỹ thuật thủ công được truyền đời qua hơn 300 năm nay lại không phải để viết mà phục vụ cho đời sống tâm linh.

Ở mỗi tờ giấy giang được làm ra, mật độ sợi giang giữ lại trên giấy là ngẫu nhiên, vì thế khi có ánh sáng xuyên qua, không chỉ chất giấy sần mộc mạc được thể hiện mà còn tạo ra những hiệu ứng ánh sáng khác biệt ở mỗi khu vực giấy.

Giấy giang có ý nghĩa lớn lao với đời sống tín ngưỡng và nếp sống sinh hoạt của đồng bào H’mông. Vì vậy, việc kết hợp với hình tượng Văn miếu Trấn Biên cũng không hoàn toàn là ngẫu nhiên hay vì tính thẩm mỹ, mà còn thể hiện sự trân trọng giữa các chất liệu đặc biệt khi giao thoa chúng với nhau.

Đèn giấy giang mang ánh sáng ấm áp, dịu nhẹ và khiêm tốn trong một góc căn nhà Việt như một sự cô đọng của những câu chuyện văn hoá giao thoa.

Liên hệ thường trực Ban Tổ chức

Địa chỉ

21 Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội

Hotline

09 8888 7890

Email

admin@vietnamdesignweek.com

Theo dõi chúng tôi