Back to Designed by VietNam

Riverside Mesh

By Đỗ Hà Trang

Riverside Mesh là một bộ sưu tập các mô-đun đô thị được đặt ven sông Sài Gòn để tận dụng các không gian bị lãng phí, không được sử dụng hết công năng trong thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua việc tận dụng môi trường tự nhiên và các khoảng xanh có sẵn, thiết kế tập trung vào việc tạo ra những không gian nhỏ hợp để tương tác cộng đồng hàng ngày.

Bằng cách sử dụng một chuỗi các mô-đun đô thị có thể dễ dàng lắp ráp theo nhiều cách khác nhau, đòi hỏi ít công sức và nguồn lực, phương pháp này kích hoạt các không gian công cộng không được sử dụng và biến ven sông Sài Gòn thành các không gian sôi động và dễ tiếp cận cho cư dân mà không cần can thiệp nhiều vào cơ sở hạ tầng hiện có. Mô hình thiết kế này cũng có thể áp dụng và mở rộng sang nhiều khu vực khác trong thành phố Hồ Chí Minh.

Chiến lược Thiết kế

Thông qua quan sát về cách sử dụng không gian linh hoạt của cư dân thành phố Hồ Chí Minh trong đời sống hằng ngày, dự án Riverside Mesh áp dụng lý thuyết “Responsive City” – đô thị linh hoạt. Lý thuyết này đề cập đến việc thiết kế không gian thành phố để đáp ứng được nhu cầu luôn thay đổi của cộng đồng và môi trường đô thị, từ đó tạo ra các không gian có thể thích nghi và phản hồi với nhiều hoạt động và sự kiện khác nhau, cũng như có tiềm năng ứng dụng lâu dài trong tương lai. Dự án cũng thể hiện sự thử nghiệm và khám phá tiềm năng của không gian công cộng theo chiều dọc của đô thị, còn được gọi là “Linear Park”.

Chiến lược Thiết kế:

  • Chiến lược tạo không gian ‘White Spaces’: Dự án tập trung vào tạo ra ‘white spaces’ – nơi các chức năng có thể thay đổi dựa trên hoạt động của người sử dụng, tương phản với ‘black spaces’ – những không gian với chức năng cố định và hạn chế tính linh hoạt đối với người dùng.
  • Thiết kế “Điều Kiện” và “Hành Vi”: Thay vì thiết kế các không gian chức năng cố định, dự án hướng tới thiết kế các điều kiện vật lý thúc đẩy hành vi sáng tạo của người sử dụng. Thiết kế này trao quyền và cơ hội cho người dùng tham gia và tạo hình không gian theo cách mà họ mong muốn, thúc đẩy tinh thần cộng đồng.

Chức năng nổi bật:

  • Không gian đa chức năng: Tạo cơ hội và điều kiện cho nhiều hoạt động ngoài trời khác nhau như đi dạo, đứng, ngồi, ngắm cảnh, chơi trò chơi và tụ tập xã hội theo nhóm.
  • Ngôn ngữ thiết kế gợi ý: Thiết kế hướng dẫn hành vi của người dùng thông qua hình dáng vật lý như thay đổi nhỏ về chiều cao, chiều rộng và cách bố trí không gian.
  • Thiết kế theo module: Thiết kế theo module đơn giản cho phép người thiết kế và cộng đồng thay đổi hình dạng của không gian theo nhu cầu.

Hệ thống Module

Module cơ bản:

Các module cơ bản

Với mục tiêu là tận dụng được tối đa không gian hiện hữu trong công viên và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng, dự án sử dụng hệ thống module cơ bản linh hoạt, theo hệ lưới vuông, với kích thước từ 37,5 x 37,5 cm đến 150 x 150 cm. Hệ thống module này cho phép thực hiện các hoạt động cơ bản như đứng, ngồi, nằm và có khả năng kết hợp với nhau để tạo ra các cấu hình phức tạp hơn (spatial configuration).

Module Sàn:

Hệ module đầu tiên bao gồm các bậc thềm vuông được nâng cao từ mặt đất (FFL) từ 20cm đến 80cm và có chiều rộng từ 37.5cm đến 150cm. Sự đa dạng về kích thước chiều cao và chiều rộng của module này giúp đáp ứng các nhu cầu sử dụng cá nhân cũng như các hoạt động tập trung nhóm.

Module Ghế Ngồi:

Bộ module Ghế Ngồi có phần tựa lưng nghiêng 30 độ về phía sau để tạo cảm giác thoải mái khi nghỉ ngơi. Bộ module này có thể kết hợp với bộ module Sàn để tạo thành các dãy ghế dài để chân được.

Module Vách Ngăn:

Bộ module Vách Ngăn bao gồm bộ khung với tấm ngăn trong suốt được làm từ vải nhựa màu, với các ô thông gió giúp phân chia không gian, đảm bảo tính riêng tư và sự thoáng đãng. Chiều cao của module này có thể điều chỉnh từ 150cm đến 300Cm.

Module Mái Che:

Bộ module Mái Che bao gồm các mái che được thiết kế theo dạng ngôi nhà. Các mái che sử dụng tấm nhựa đa dạng về màu sắc và có các họa tiết thú vị.

Hình thái không gian

Bốn hệ module cơ bản có khả năng kết hợp với nhau để tạo ra nhiều hình dạng không gian công viên đa dạng. Dự án đã xác định ba loại hình thái kết hợp chính, dựa trên điều kiện tự nhiên của công viên, loại hoạt động, và số lượng người sử dụng.

Hình thái loại A – Shading Groove / Trung tâm Tụ họp:

  • Chức năng: không gian tập trung nhóm (group gathering)
  • Thiết kế cho: Nhóm từ 3 đến 5 người, diện tích từ 4,5 đến 9 m2.
  • Phù hợp cho: Các hoạt động như nói chuyện, dã ngoại và nghỉ ngơi.
  • Vị trí lý tưởng: Đặt dưới tán cây lớn để tạo bóng mát tự nhiên.

Hình thái loại B – Open Green / Không gian Năng Động:

  • Chức năng: Không gian mở cho các hoạt động nhiều năng lượng.
  • Thiết kế cho: các nhóm từ 5 đến 10 người, với diện tích từ 9 đến 18 m2.
  • Phù hợp cho: các cuộc tụ họp lớn, sự kiện, hoặc các hoạt động vui chơi như tập thể dục, sân chơi cho trẻ em, hoặc các hoạt động yêu cầu diện tích lớn.
  • Vị trí lý tưởng: Bố trí trên các khu vực cỏ xanh trống của công viên.

Hình thái loại C – Riverside Lounge / Sightseeing:

  • Chức năng: Không gian ngắm sông thư giãn và yên tĩnh (có thể kết nối với hình thái A).
  • Thiết kế cho: các nhóm nhỏ từ 2 đến 3 người, với diện tích tối thiểu là 4,5 m2.
  • Phù hợp cho: các hoạt động nhẹ nhàng, không gian thân mật và yên bình để trải nghiệm cảnh sông.
  • Vị trí lý tưởng: Bố trí gần mặt nước và có tầm nhìn sông rộng lớn, không bị che khuất.

Ứng dụng vào Công viên ven sông

Để phát huy được hiệu quả của các hình thái không gian, dự án đề xuất các bước nghiên cứu không gian hiện hữu. Điều này đảm bảo tính chức năng của không gian và duy trì vẻ đẹp tự nhiên của công viên mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Bước 1: Lựa chọn địa điểm

  1. Xác định địa điểm thích hợp: Xác định các khu vực hoặc công viên ven sông Sài Gòn hiện đang không được sử dụng hiệu quả hoặc bị bỏ hoang.
  2. Đo lường chiều rộng công viên: Đảm bảo rằng công viên có ít nhất từ 10m đến 15m chiều rộng để có đủ không gian để sắp xếp các module.
  3. Gần khu vực dân cư: Ưu tiên chọn các khu vực công viên gần các cộng đồng dân cư để đảm bảo rằng thiết kế phục vụ được nhu cầu của cư dân.
  4. Thân thiện với người đi bộ: Đảm bảo rằng có lối vào cho người đi bộ và không có lưu lượng giao thông nguy hiểm, để đảm bảo an toàn cho mọi người.

Ứng dụng thực địa: Công viên Cầu Móng được xem xét là một điểm lý tưởng. Nằm ven sông và gần khu dân cư ở Quận 4, tọa lạc trong trung tâm thành phố và nối với công viên Bạch Đằng ở bên đối diện. Mặc dù có tiềm năng, công viên này hiện đang ít được sử dụng và không được duy trì cẩn thận, điều này đã dẫn đến việc không tận dụng hết các tiện ích của nó. Do đó, Công viên Cầu Móng đã được chọn làm địa điểm ứng dụng cho thiết kế.

Bước 2: Bố trí khu vực chức năng:

Dựa vào các đặc điểm tự nhiên của công viên, phân khu chức năng cho công viên:

  • Khu vực bóng râm: khu vực phù hợp cho không gian hình thái loại A, chức năng tập trung vào các hoạt động của các nhóm nhỏ và nghỉ ngơi.
  • Khu vực thảm cỏ: khu vực lý tưởng cho không gian hình thái loại B, thích hợp cho tụ tập đông người, tập thể dục, vui chơi, hoặc tổ chức sự kiện.
  • Khu vực gần mặt nước: dành cho không gian hình thái loại C, tạo ra một không gian yên tĩnh và thoải mái để ngắm cảnh.
  • Đường đi bộ: Đảm bảo duy trì các lối đi bộ để đảm bảo sự thuận tiện cho việc đi lại trong công viên.

Bước 3: Sắp đặt các Module

Dựa trên việc phân chia khu vực chức năng, tiến hành sắp xếp các module vào các vị trí thích hợp để tạo ra nhiều hình dạng không gian linh hoạt khác nhau. Trong quá trình này, cần lắng nghe ý kiến từ cộng đồng dân cư địa phương để đảm bảo rằng không gian được thiết kế phản ánh đúng nhu cầu của cộng đồng.

Đặc biệt, cần chú trọng đến sự cân bằng giữa các module và môi trường tự nhiên. Việc xác định số lượng module cần phải thật hài hòa, không chiếm quá nhiều diện tích công viên (khoảng từ 30% đến 50% tổng diện tích) để đảm bảo rằng vẫn có đủ không gian xanh cho cây cỏ phát triển, đồng thời tránh làm cho công viên trở nên quá chật chội.

(2) Cần chú trọng đến sự cân bằng giữa các module và môi trường tự nhiên.

Hình ảnh render dự án:

Liên hệ thường trực Ban Tổ chức

Địa chỉ

21 Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội

Hotline

09 8888 7890

Email

admin@vietnamdesignweek.com

Theo dõi chúng tôi