1. Thông tin sơ bộ
• Diện tích xây dựng: 140m2 (bao gồm cả sân trong)
• Chức năng chính: Vệ sinh nam, vệ sinh nữ, vệ sinh khuyết tật, vệ sinh trẻ em, kho chứa đồ
2. Phân tích hiện trạng
Xung quanh hồ Gươm có 3 điểm nhà vệ sinh công cộng, tuy nhiên các nhà vệ sinh này đang gặp các hạn chế:
• Công trình nằm chắn và hạn chế các hướng nhìn ra hồ Gươm
• Thiếu số lượng thiết bị vệ sinh nam, nữ trên mỗi công trình
• Chưa có vệ sinh cho người khuyết tật và trẻ em
• Hình thức kiến trúc đại trà, chưa có nét đặc biệt mang tính hồn nơi chốn (Không gian xung quanh hồ Gươm linh thiêng và mang nhiều giá trị văn hóa nên các công trình xây mới xung quanh cần có sự liên kết và hài hòa với cảnh quan hiện trạng)
Các công trình xung quanh hồ Gươm mang tính lịch sử, văn hóa, biểu tương (tháp Rùa, đền Ngọc Sơn,…) đều có bố cục đối xứng, sử dụng các đường cong, vòm cửa hay các hình kỷ hà: vuông, tròn.
3. Đề xuất ý tưởng
Khu đất nằm gần phố Hàng Trống – con phố nổi tiếng với làng nghề làm tranh dân gian. Tranh Hàng Trống mang nhiều giá trị về văn hóa và lịch sử của người dân Hà Nội, chủ đề của tranh gồm 3 dòng:
• Tranh Tết
• Tranh Thờ
• Tranh Thế sự (phù hợp với các công trình công cộng)
Công năng: công trình phục vụ cho đầy đủ các đối tượng: nam, nữ, người khuyết tật, trẻ em.
Hướng nhìn: Một phần công trình nằm âm dưới mặt đất để không cản trở các hướng nhìn đến hồ Gươm, tháp Rùa (phần nổi cao 1.4m dưới tầm mắt người).
Giao thông: Người bộ hành có thể tiếp cận công trình từ 2 hướng theo chiều đi bộ bên phải đường. Mặt bằng hình tròn, bố cục đối xứng giúp mọi người dễ dàng sử dụng, vào và ra công trình. Công trình có thiết kế 2 đường dốc đối xứng nhau (i=1/12) theo tiêu chuẩn đường dốc của xe lăn người khuyết tật.
Lớp không gian: Công trình gồm 3 lớp không gian: trong nhà, hiên nhà, sân giữa (lấy cảm hứng từ không gian nhà truyền thống Bắc Bộ).
Bền vững, vận hành: Công trình sử dụng gạch thông gió để đối lưu không khí giữa trong và ngoài nhà. Bên cạnh đó, công trình có hệ thống bể ngầm giúp thu gom nước mưa từ mái và sân phục vụ cho các thiết bị vệ sinh bên trong.
Hình thức kiến trúc: Công trình có dạng như một cái trống đang nằm chìm một phần trong đất. Vỏ bao che là các lớp tranh Hàng Trống, gạch men hoa gió, ngói mũi hài giúp công trình có tính kết nối với hình ảnh tuyến phố và hồ Gươm.
Vật liệu: Công trình sử dụng vật liệu mang tính truyền thống: gạch men, tranh gốm sứ, tường sơn giả cói,… Bên cạnh đó có thể sử dụng các họa tiết cách điệu từ tranh dân gian Hàng Trống vào trong xây dựng như: gạch hoa gió, gạch ốp lát giúp công trình trở nên độc đáo và duy nhất.
4. Tổng kết
Đồ án “Cung Tranh” giải quyết các vấn đề chính như sau:
- Công trình vệ sinh hiện đại có đủ công năng phục vụ mọi đối tượng;
- Công trình không che chắn hay làm hạn chế tầm nhìn, cảnh quan hồ Gươm (Tháp Rùa và hồ Gươm là đối tượng trung tâm);
- Công trình mang hình ảnh tranh dân gian Hàng Trống gần gũi hơn tới các thế hệ sau giúp duy trì và phát triển nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống.