Back to Designed by VietNam

Mộc sắc Tây Bắc

By Đỗ Hoàng Long

Nhắc đến “kỳ vọng”, chúng ta không thể nào không nghĩ đến những điều mong mỏi, những ước muốn. Đối với thiết kế thì điều đó được thể hiện rõ nhất trong những hy vọng, đặt tinh thần sáng tạo, sự đột phá lên thành yếu tố hàng đầu. Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn mà kỳ vọng cũng sẽ từ đó mà thay đổi, không giống nhau.

Hội nhập quốc tế, một mặt, tạo điều kiện để các nền văn hóa dân tộc được giao lưu, hợp tác và phát triển; mặt khác, cũng tạo ra xu hướng toàn cầu hóa về ngôn ngữ, về văn hóa, về lối sống và quan niệm giá trị. Quá trình đó đặt các dân tộc trước nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời còn ẩn chứa nguy cơ làm suy giảm tính sáng tạo của các dân tộc trong quá trình phát triển. Do đó, việc kế thừa và phát huy làm mới những thứ truyền thống là hết sức cần thiết. Tổng Giám đốc UNESCO Fedrico Mayor đã từng cảnh báo: “Sự đồng hóa các hệ thống giá trị và tiêu chuẩn, đe dọa làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa, nhân tố hết sức quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của cả nhân loại”. Đó cũng chính là lý do vì sao “Mộc sắc Tây Bắc” được ra đời – với kỳ vọng lan tỏa những món gia vị là đặc sản của vùng núi Tây Bắc đến rộng rãi người tiêu dùng, qua đó thể hiện được những nét đặc sắc trong văn hóa, những vẻ đẹp của Tây Bắc, đồng thời đưa mọi người đến gần hơn với cái tinh hoa của vùng đất nơi đây.

“Mộc sắc Tây Bắc” được lấy ý tưởng từ những nếp sinh hoạt hết sức đời thường của người dân núi rừng. Với tài năng lao động, họ chính là chủ nhân của những bản hòa tấu độc đáo mang đậm chất dân dã của núi rừng. Ngoài tất bật với công việc thu hoạch những sản vật trân quý từ thiên nhiên, sáng lên nương, chiều vào rẫy, họ vẫn không quên dành thời gian vun xới cho mái ấm nhỏ của mình. Có lẽ bởi vậy mà trong từng bữa ăn, người phụ nữ Tây Bắc luôn thổi hồn vào các món ăn của mình hương vị hết sức riêng biệt. Một phần tạo nên hương vị đặc sắc ấy chính là nhờ có gia vị Tây Bắc. Gia vị được ví như linh hồn của món ăn, khiến cho món ăn tăng thêm hương vị đậm đà, đặc sắc. Đây cũng chính là nét tương đồng khiến ta liên tưởng đến những người phụ nữ vùng đất hoa ban nở. Nếu gia vị là thứ liên kết các hương vị, thành phần của món ăn lại với nhau thì người phụ nữ cũng chính là người kết nối các thành viên lại với nhau, âm thầm hi sinh tạo nên một gia đình hạnh phúc.

Thông qua đề tài, mong muốn truyền tải những giá trị văn hóa của người dân núi rừng Tây Bắc thông nhiều phương diện, khía cạnh và giá trị: từ nguồn gốc bản địa đến từng nét đẹp trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là những phong tục, tập quán lưu truyền bao đời này. Những phương diện, khía cạnh và giá trị này cần được lan tỏa mạnh mẽ hơn. Thông qua đây, tác giả cũng muốn quảng bá du lịch cho vùng đất Tây Bắc, muốn “Mộc sắc Tây Bắc” như một lời mời gọi du khách bốn phương có thể tìm đến nơi đây để trải nghiệm và thưởng thức những nét đẹp văn hoá, thiên nhiên, con người của vùng cao Tây Bắc, muốn thông qua tác phẩm của mình đưa hình ảnh của Tây Bắc sẽ khắc sâu hơn trong tâm trí của mọi người.

Vùng Tây Bắc xa xôi còn chứa đựng biết bao điều kỳ diệu về văn hóa dân gian. Mỗi bản làng, mỗi vùng đất là mỗi phong tục, tập quán mà dù có đi nhiều, cảm nhận nhiều cũng khó lòng kể hết. Điều quan trọng là làm sao để mỗi cá nhân trong chúng ta góp phần vào công cuộc gìn giữ, khiến cho sức sống mãnh liệt, bền bỉ của văn hóa dân gian ấy luôn là một dòng suối có mạch ngầm từ kho trầm tích văn hóa xứ sở chảy mãi.


Liên hệ thường trực Ban Tổ chức

Địa chỉ

21 Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội

Hotline

09 8888 7890

Email

admin@vietnamdesignweek.com

Theo dõi chúng tôi