Cây Đa từ xưa đã gắn liền với người dân Việt Nam như một biểu tượng truyền thống của làng quê Bắc Bộ. Cây đa – Giếng nước – Sân đình luôn đi liền với nhau và cùng xuất hiện rất nhiều trong nghệ thuật như: Hội họa, Văn học, Thơ ca. Nhắc đến cây đa là nhắc đến hình ảnh một nơi để quây quần, cũng là điểm gặp gỡ, trao đổi giữa mọi người trong CỘNG ĐỒNG. Người đi xa về đều lấy cây đa làng như cột mốc của “nhà” mình – một sự khẳng định cho tính biểu trưng của lời CHÀO ĐÓN, THÂN THUỘC.
Các giá trị văn hóa (tính cộng đồng, biểu tượng) và giá trị tinh thần (thân quen, chào đón) của Cây Đa là niềm cảm hứng cho thiết kế ĐA. Với mong muốn mang hình ảnh này ra xa hơn những vùng quê, ĐA là sự dung nhập của hình ảnh cây đa truyền thống Việt Nam với ngôn ngữ tạo hình và vật liệu hiện đại. Để giữ gìn trọn vẹn “câu chuyện” về cây đa làng, ĐA được xây dựng như một góc nghỉ chân nhỏ cho du khách. Thiết kế này có thể được lắp đặt tại các nơi công cộng như sân bay, trung tâm thương mại để từ đó tương tác cả về thị giác và thói quen với du khách – tạo nên cảm xúc về một kí ức, sự gợi nhớ, bình dị, về “nhà”. Đối với khách nước ngoài, trạm nghỉ ĐA sẽ khơi dậy sự tò mò và tự tìm hiểu, từ đó họ sẽ hiểu và góp phần truyền tải đi thông điệp về một hình ảnh truyền thống Việt Nam.