Tôi là một người hướng nội tuy nhiên việc cứ phải quẩn quanh với bốn bức tường trong lúc giãn cách toàn xã hội vẫn là một thử thách rất lớn đối với tôi. Sự hạn chế về không gian vật lý trong một thời gian dài khiến tôi bải hoải và đôi khi cảm thấy cạn kiệt cảm xúc sáng tạo. Vào một ngày khi tôi lục lọi trong không gian lặp đi lặp lại nhàm chán của mình để tìm một động lực, một ý tưởng giúp tôi có thể tham gia vào cuộc thi này tôi đã tìm thấy một thứ: Chiếc Tủ Quần Áo của chính mình.
Bên cạnh những bộ trang phục tôi yêu thích và hay dùng, tôi nhận ra có rất nhiều món đồ khác tôi chưa bao giờ hoặc rất hiếm khi mặc đến. Nhưng tôi đã không nỡ vất chúng đi vì chúng vẫn còn rất tốt hoặc có chi tiết thú vị nào đó khiến tôi chần chừ hoặc vẫn có những kỷ niệm nào đó lưu dấu trong đó. Tôi lôi chúng bày ra sàn, lộn trong ra ngoài, mặc vào rồi cởi ra, ngắm ngắm, nghía nghía một hồi để xem có có thể làm gì với chúng. EUREKAAAAA! Tủ Quần Áo của tôi đã cứu vãn tôi. Và thế là ý tưởng của bst N.A.M hình thành nhanh chóng.
Tôi đã tận dụng toàn bộ những thứ áo quần, phụ kiện cũ của chính mình kết hợp với tấm cổ màn Thái, Nghệ An rách nát mà tôi sưu tầm được từ một cửa hàng trong phố cổ Hà Nội từ lâu. Tôi cũng sử dụng thêm một số phương pháp thủ công truyền thống khác của Người Việt để hỗ trợ cho cái đống đồ cũ như là chần bông, rút sợi, đột tay, ghép vải, đan móc. Tôi đã tự mình làm toàn bộ.
Với N.A.M, tôi muốn kể một câu chuyện sáng tạo từ những hạn chế. Sự hạn chế có thể là rào cản nhưng không ngăn cản được khát vọng sáng tạo, khát vọng biến hoá để thích nghi được với những điều kiện mới. Và trong trường hợp cụ thể của cá nhân tôi nó lại mang đến những cảm xúc kỳ lạ mà tôi chưa bao giờ trải qua. Tôi gọi nó là một dạng của sự hoá thân.